Lượt xem: 988

Sóc Trăng phấn đấu nâng cao chất lượng đời sống của người dân

Trong năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn về biến đổi khí hậu, thiên tai, diễn biến Covid-19, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Tuy nhiên, Sóc Trăng đã tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

    Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thời gian qua, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân, giai đoạn 2016-2020 là 6,75%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 là 50,1 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch có bước phát triển theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.


Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Chanh Đa

 

    Phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Toàn tỉnh xuống giống được 349.128 ha lúa, sản lượng đạt trên 2 triệu tấn, vượt chỉ tiêu đề ra; trong đó, diện tích lúa đặc sản đạt 175.226 ha, vượt 27% so kế hoạch đề ra. Đến nay, diện tích lúa đặc sản toàn tỉnh chiếm gần 52% diện tích canh tác, tăng 2.109 ha so năm 2019, sản lượng đạt gần 1,1 triệu tấn, vuợt xa so với kế hoạch năm 2020 là 800.000 tấn. Nhằm bảo đảm đầu ra cho lúa đặc sản, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp các địa phương, tổ chức việc kết nối tiêu thụ giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã (HTX) vùng dự án. Hiện tại, có 54 HTX và 371 tổ hợp tác sản xuất lúa có hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ cùng các công ty, doanh nghiệp, diện tích có bao tiêu gần 54.000 ha. Đặc biệt giống lúa ST24 được vinh danh trong “Top 3 Gạo ngon nhất thế giới”, giải Nhất “Gạo ngon thương hiệu Việt” tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần 3; gạo ST25 đạt giải Nhất năm 2019 và giải Nhì năm 2020 trong cuộc thi “Gạo ngon thế giới” tổ chức tại Philippines (2019) và Mỹ (năm 2020).

    Tỉnh cũng xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án chuyển đổi sản xuất; một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xuất khẩu bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo, đến nay đã có 99 sản phẩm được xếp các hạng, vượt 282% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chăn nuôi phát triển theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi tập trung, góp phần nâng đàn gia súc lên khoảng 240.638 con, tăng 40,30% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm đạt 8 triệu con, tăng 4,07%.

    Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 50/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 62,5%.

    Tỉnh cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: Chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, năng lượng... Tỉnh có sự chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là Covid-19, không để xảy ra ca mắc Covid-19 trên địa bàn; qua đó, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 là 40.000 tỷ đồng, tăng trên 1,9 lần so với năm 2015, tăng trưởng bình quân đạt 13,2%/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn trong 5 năm qua đạt 20.014 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm2020 đạt 950 triệu USD, vượt 5,56% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 9,75% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tôm đông đạt 675 triệu USD, xuất khẩu gạo đạt 140 triệu USD.

    Tỉnh triển khai nhiều giải pháp thu hút, ưu đãi đầu tư; qua đó, tình hình thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã và đang được triển khai đầu tư, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay đã có 99 sản phẩm được xếp các hạng. Ảnh Cao Xuân Lương

 

    Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng các hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục được nâng lên. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực; bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo Khmer trên 4%/năm. Năm 2020, toàn tỉnh giảm được 6.600 hộ nghèo, tương đương giảm 2%, trong đó tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3%. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, nhưng với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tỉnh đã tích cực huy động các nguồn vốn, hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công vào năm 2019.

    Các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội... được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 38.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; đào tạo nghề cho 69.582 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 50,18% năm 2015 lên trên 60% năm 2020, vượt chỉ tiêu nghị quyết; giải quyết việc làm cho 129.609 lao động; trong đó, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 1.852 người, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 3%/năm; cuối năm 2020, toàn tỉnh còn 8.617 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,66%; hộ Khmer nghèo là 4.140 hộ, tỷ lệ 4,13%.

    Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, thời gian tới, Sóc Trăng phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 bình quân 5 năm (2021-2025) đạt 8,0%; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến cuối nhiệm kỳ đạt 75 triệu đồng/người/năm trở lên; cơ cấu GRDP (theo giá hiện hành) đến cuối nhiệm kỳ khu vực I là 33%, khu vực II 26%, khu vực III từ 37% trở lên, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 4%; sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao đến cuối nhiệm kỳ chiếm trên 80% sản lượng lúa toàn tỉnh; sản lượng thủy, hải sản đến cuối nhiệm kỳ đạt 417.000 tấn trở lên; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đến cuối nhiệm kỳ đạt trên 250 triệu đồng/ha; 72 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 6 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân mỗi năm từ 21% trở lên; giá trị xuất khẩu hàng hoá đến cuối nhiệm kỳ đạt 1,2 tỷ USD; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 30%; tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi là 85%; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%-3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3%-4%/năm.

    Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án. Khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển; kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng, cảng biển, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

    Đồng chí Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: Trong năm 2021, Sóc Trăng sẽ tập trung thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch, vừa tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Chủ động phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Tập trung thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm. Tăng cường các hoạt động kích cầu, xúc tiến thương mại, công tác quản lý thị trường, phòng, chống gian lận thương mại. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thu ngân sách; thực hành tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ, tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, gói hỗ trợ, ưu đãi về tín dụng. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.


Nông thôn khởi sắc. Ảnh Cao Xuân Lương

 

    Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP) đạt từ 6,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 50,20 triệu đồng/người/năm; sản lượng lúa đặc sản chiếm trên 55% tổng sản lượng lúa của tỉnh; sản lượng thủy hải sản đạt 323.000 tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 204 triệu đồng/năm; phấn đấu đến cuối năm 2021 có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16%; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 1 tỷ USD; thu nội địa ngân sách đạt 3.716,8 tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 28%; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2%-3%, trong đó tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm từ 3%-4% so với năm 2020.

    Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Mục tiêu xuyên suốt của UBND tỉnh là tập trung phát triển tỉnh theo hướng công nghiệp, để tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, hạn chế người dân phải bỏ đi làm ăn xa, đời sống xã hội ổn định, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho mọi người. Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được; khắc phục những mặt hạn chế, khó khăn, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, từ năm 2020-2025, Sóc Trăng tập trung vào mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao chất lượng đời sống của người dân”.

Cao Xuân Lương



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 30
  • Hôm nay: 10406
  • Trong tuần: 78,711
  • Tất cả: 11,851,503